Thời trung cổ Lịch_sử_Beograd

Byzantine (395-626)

Sau khi hoàng đế Theodosius I băng hà, đế chế La Mã bị chia thành hai phần. Singidunum nằm ở biên giới phía tây bắc của Đế quốc Đông La Mã. Tỉnh Moesia và Illyric phải gánh chịu những cuộc tấn công tàn khốc liên tiếp của các đạo binh xâm lược người Hung, Ostrogoth, Gepids, Sarmatia, AvarSlav. Cả châu Âu chịu kiếp nạn Hung Nô, năm 441, Attila đánh chiếm Singidunum phá hủy thành phố và pháo đài, bắt dân chúng làm nô lệ.[13] Trong hai thế kỷ tiếp theo, thành đổi chủ nhiều lần. Năm 454, La Mã đột kích tái chiếm thành từ tay quân Hung, nhưng nhanh chóng lại rơi vào tay người Sarmati. Năm 470, Theodoric Đại đế dẫn quân Ostrogoth đánh bại Sarmati và chiếm được thành.[14] Năm 488, quân Gepis chiếm thành, cho đến năm 504 lại bị Ostrogoth thu hồi. Năm 539, thành trở về Đế quốc Đông La Mã sau hòa ước với Ostrogoth.[15]

Hoàng đế Byzantine Justinianus I khôi phục lại Singidunum cho dân chúng định cư và củng cố thành lũy quân sự. Năm 577, khoảng 100.000 người Slav đã đổ vào Thrace và Illyricum, đánh chiếm và định cư trong các thành phố.[16] Năm 582, quân Avar dưới quyền Bayan I chinh phục cả xứ.[17] Khi Mauritius tiến hành chiến dịch Balkan, Singidunum giữ vị trí quan trọng, nhưng một lần nữa bị Avar tàn phá và phóng hỏa vào năm 602. Theo Biên niên sử Byzantine Sự cai trị của đế chế,[lower-alpha 2] những người Serb Trắng trên đường về nhà đã dừng lại ở Singidunum (khoảng năm 630), yết kiến tổng binh về đất đai mà họ được nhận, gồm các tỉnh phía tây tới Adriatic, theo chính sách ngoại giao cho phép người Slav định cư dưới thời Heraclius I.[18] Lúc này, Singidunum không còn là một tiền đồn biên giới quan trọng nữa.

Đường Knez Mihailova ngày nay nằm trên đúng nền Singidunum

Bulgaria, Hungary, Byzantine, Serbia

"Khai sinh" tên Beograd, thư của Giáo hoàng Gioan VIII gửi sa hoàng Boris I của Bulgaria, thế kỷ 10

Không còn tư liệu nào nhắc đến thành phố suốt hai thế kỷ rưỡi tiếp theo, bởi thành không có vị trí tiền phương chiến lược. Khi ấy, người Slav nắm giữ cả một vùng Balkan rộng lớn. Dấu vết khảo cổ về thời kỳ này vẫn cho thấy cuộc sống dân cư tiếp diễn bên trong và xung quanh thành.

Gia đoạn tiếp theo, nhiều đạo quân khác nhau thay phiên chiếm cứ nơi này. Cũng là lần đầu tiên người Frank dưới quyền Charlemagne đặt chân đến đây khi đánh tan quân Avar. Trên đống đổ nát của Taurunum, người Frank xây dựng khu định cư Malevila, về sau đổi tên thành Zemln (Zemun).

Người Bulgaria thay thế người Frank nắm quyền kiểm soát Beograd vào năm 827. Cái tên Beograd theo ngôn ngữ Slav (Београд nghĩa là Thành Trắng - có thể chỉ về vách thành bằng đá vôi trắng) lần đầu tiên được ghi nhận trên văn tự vào thế kỷ thứ 9, trong một bức thư viết ngày 16 tháng 4 năm 878 của Giáo hoàng Gioan VIII gửi sa hoàng Boris I Mihail của Bulgaria về việc loại bỏ giám mục Sergus của Beograd.[19] Về sau, cái tên Beograd còn xuất hiện trong các biến thể khác nhau.

Năm 896, quân Hungary tấn công Beograd. Năm 971, Byzantine chiếm Beograd.

Sau năm 976, sa hoàng Bulgaria là Samuel nắm quyền Beograd. Năm 1018, hoàng đế Byzantine Basíleios II chinh phục được đế quốc của Samuel, Beograd một lần nữa lại trở thành một tiền đồn biên giới quan trọng của Byzantine, quân đội thường xuyên trú đóng.[20]

Petar Deljan tự xưng là sa hoàng ở Beograd. Cuộc nổi dậy của ông chống lại sự cai trị của Byzantine bắt đầu quanh Beograd. Tranh minh họa trong bản thảo Madrid Skylitzes.

Mùa hè 1040 nổ ra cuộc nổi dậy chống lại Byzantine tại Pomoravlje, do Petar Deljan đứng đầu. Quân nổi dậy nhanh chóng chiếm được Beograd, NisSkopje. Deljan xưng mình là cháu nội của sa hoàng Samuel, người kế vị hợp pháp đế quốc Bulgaria, nên đã tự lập làm sa hoàng tại Beograd. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy đã bị đàn áp và dập tắt vào đầu năm 1041.

Nửa sau thế kỷ 11 tiếp diễn với các cuộc xung đột Hungary-Byzantine. Năm 1068, vua Solomon của Hungary đánh chiếm một số thành ở biên giới Byzantine, rất có thể Beograd nằm trong số đó.[21] Byzantine nhanh chóng đoạt lại. Chiến trận trên sông Danube gia tăng theo thời gian. Khoảng năm 1071-1072, vua Hungary mở cuộc tấn công lớn vào Beograd. Sau hai tháng vây hãm, quân Hungary chuẩn bị phá vỡ được tường thành, Beograd buộc phải đầu hàng. Quân Hungary đã cướp phá hoàn toàn Beograd.[22] Trên đà thắng lợi, vua Solomon mở rộng tấn công tới tận Nis. Hòa bình lập lại ngay sau đó và không rõ Byzantine đã đòi lại Beograd bằng cách nào, chỉ biết rằng Hungary kiểm soát không lâu và vào năm 1072, Beograd trở lại Byzantine.[22] Năm 1096, quân Hungary phá hủy Beograd, nhưng Byzantine tiếp tục đồn trú trấn giữ. Năm 1124, vua Stefan II của Hungary triệt hạ Beograd và bố trí công sự tại Zemun. Năm 1154, hoàng đế Byzantine Manojlo I chiếm Zemun và tái thiết củng cố Beograd.[12] Năm 1182, Hungary tiếp tục xâm chiếm Beograd. Năm 1185, Byzantine thu hồi Beograd bằng ngoại giao.

Từ 1096 đến 1189, các cuộc thập tự chinh đều ngang qua Beograd. Năm 1096, trong cuộc thập tự chinh thứ nhất, Peter Ẩn sĩ trong vòng sáu ngày đã thảm sát Zemun. Dân chúng Beograd di tản về Nis, vì sợ rằng thập tự quân cũng có thể gây ra một tội ác tương tự với Beograd. Năm 1147, vua Đức Konrad III dẫn quân đi qua Beograd trong cuộc thập tự chinh thứ hai.[23] Năm 1189, trong cuộc thập tự chinh thứ ba, Friedrich Barbarossa dẫn 190.000 quân ngang qua và ngỡ ngàng trước một Begrad hoang tàn đổ nát.[24] Bởi trước đó vào năm 1154, trong Hành trình tới Constantinopolis, nhà địa lý và bản đồ Idrizi người Ả-rập đã miêu tả Beograd phồn thịnh đông đúc và tập trung nhiều nhà thờ.

Beograd là một phần của Bulgaria từ năm 1230 nhưng đến năm 1232 đã thuộc về Hungary.

Vương quốc Syrmia của vua Stefan Dragutin người Serb, kinh đô là Beograd, thế kỷ 13-14Tháp canh Stefan tại cổng thành Beograd

Năm 1284, quốc vương Serbia Dragutin tiếp nhận Beograd từ nhạc phụ là vua Stefan V của Hungary. Beograd trở thành kinh đô của vương quốc Syrmia, nơi tập trung triều đình Dragutin, đánh dấu mốc đầu tiên dưới quyền cai trị của vua Serbia.[25] Beograd bắt đầu có nhiều dân Serbia cũng như ảnh hưởng mạnh từ Giáo hội Chính thống Serbia. Nhà thờ chính tòa Bepgrad mới được xây dựng là hiện thân của sức mạnh và hưng thịnh của vương quốc Serbia non trẻ. Năm 1316, sau khi Dragutin băng hà, tranh chấp nảy sinh: Hungary đòi lại Beograd lúc này do anh trai của Dragutin là Milutin cai quản. Năm 1319, Hungary tàn phá Beograd và sáp nhập vào Macvanese Banat. Hungary biến Beograd thành một đồn biên ngăn cản sự bành trướng từ phía nam của Serbia dưới thời sa hoàng Dušan.[12]

Năm 1382, đối thủ tranh giành vương vị Hungary, anh em Horvati chiếm Beograd. Năm 1386, Hungary lấy lại được Beograd. Cùng lúc ấy là mối đe dọa đến từ quân Thổ với những trận giao tranh dữ dội mà Serbia đều thất bại trước Ottoman trong trận Maritsa (1371) và trận Kosovo (1389). Lãnh thổ phía nam Serbia rơi vào tay Đế quốc Ottoman.

Cổng Zindan từ thời Hungary

Năm 1403, liên minh với Hungary, hoàng thân Stefan Lazarević thu được nhiều lợi ích, trong đó có hai thành trọng yếu là Beograd và Golubac. Để chống lại quân Thổ xâm lăng cũng như củng cố vị trí vững chắc trên Sava và Danube, Stefan cho đẩy mạnh sửa sang lại Beograd. Ông cai trị Beograd từ năm 1403 đến 1427 là một giai đoạn hưng thịnh. Beograd không chỉ là thủ phủ của Serbia, mà còn là trung tâm kinh tế, văn hóa và tôn giáo quan trọng nhất. Nhà thờ chính tòa, pháo đài mới, lâu đài lãnh chúa, một bệnh viện và một thư viện được xây dựng. Thương nhân có được đặc quyền và trở nên giàu có và góp phần thịnh vượng cho Beograd. Beograd chào đón dân Balkan trốn khỏi sự thống trị của Ottoman, dân số lúc đó ước khoảng 40-50 nghìn người.[26]

Beogradska banovina năm 1490

Sau khi Stefan qua đời, người kế vị là Djurdj Brankovic đã phải đầu hàng dâng Beograd cho Hungary vào năm 1427. Ông cũng cho xây dựng pháo đài đặt tại thủ đô mới Smederevo. Trong một trăm năm dưới ách thống trị của Hungary, diện mạo và cấu trúc dân cư Beograd bị thay đổi. Kinh tế nhanh chóng đình trệ, người Serb chỉ được phép sống ở ngoại thành và bị cấm đi vào Phố Trên. Vua Sigmund của Hungary đưa dân Hungary đến định cư nhiều hơn và tăng cường ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo.

Trận vây hãm Beograd 1456

Sau khi Smederevo sụp đổ năm 1440, Beograd dưới cái tên Hungary Nándorfehérvár bị sultan Murat II đem 100.000 quân Thổ bao vây,[27] nhưng dù bị tấn công ác liệt, thành phố vẫn đứng vững. Để đối phó với quân Thổ đóng trại trên đồi Zrnov gần đó (Avala ngày nay), các pháo đài được dựng lên để quan sát và kiểm soát tình hình.[23] Năm 1456, sultan Mehmed II cũng thất bại và bị thương khi công thành.[28] Mừng thắng trận, giáo hoàng Calixtô III lệnh cho tất cả các nhà thờ ở châu Âu đồng loạt đổ chuông vào giữa trưa, nhiều nơi vẫn giữ truyền thống này cho đến tận ngày nay.[23][29] Beograd anh dũng được nhắc đến trong khúc ca cổ nhất viết năm 1476 dưới thời vua Matthias. Gần một thế kỷ, Beograd đã kháng cự lại được các cuộc tấn công của quân Thổ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_Beograd http://www.belgradenet.com/belgrade_history.html http://www.belgradewaterfront.com/en/project-phase... http://www.beligrad.com/history.htm http://www.historynet.com/magazines/military_histo... http://www.timetravelturtle.com/2013/07/ruined-bui... http://www.vreme.com/arhiva_html/450/2.html http://www.mek.oszk.hu/02000/02085/02085.htm http://www.znaci.net/00001/4_14_1_6.htm //doi.org/10.2298%2FSTA0858009S //dx.doi.org/10.1016%2Fj.jas.2010.06.012